Ngày 25/4/2013, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 45/2013/TT-BTC (“Thông tư 45”) hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định, thay thế Thông tư số 203/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009. Theo đó, Thông tư số 45 có hiệu lực thi hành từ ngày 10/06/2013 và áp dụng từ năm tài chính 2013.

Chúng tôi xin tóm lược một số những thay đổi, bổ sung đáng chú ý trong Thông tư 45 như sau:

  1. Tiêu chuẩn nhận biết TSCĐ

Nguyên giá TSCĐ được xác định một cách đáng tin cậy và có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên (trước đây là 10 triệu đồng trở lên).

  1.  Bổ sung thêm một số khoản chi phí không phải là tài sản cố định vô hình: chi về mua và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế, giấy phép chuyển giao công nghệ, nhãn hiệu thương mại, lợi thế kinh doanh thì các khoản chi này được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh nhưng tối đa không quá 3 năm.

Riêng lợi thế kinh doanh phát sinh khi xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản của các công ty cổ phần được chuyển đổi từ công ty nhà nước (chuyển đổi theo các Nghị định trước ngày Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/07/2011 của Chính phủ) thì được phân bổ không quá 10 năm kể từ ngày công ty cổ phần chính thức đi vào hoạt động (được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần lần đầu). Trường hợp công ty cổ phần chưa phân bổ khi chính thức đi vào hoạt động thì được phân bổ không quá 10 năm kể từ ngày công ty cổ phần thực hiện phân bổ.

  1.  Quyền sử dụng đất
  2. Ghi nhận TSCĐ vô hình và không được ghi nhận TSCĐ vô hình:

      + Được ghi nhận là TSCĐ vô hình đối với trường hợp:

– Quyền sử dụng đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp (bao gồm quyền sử dụng đất có thời hạn, quyền sử dụng đất không thời hạn).

– Quyền sử dụng đất thuê trước ngày có hiệu lực của Luật Đất đai năm 2003 (trước ngày 01/07/2004) mà đã trả tiền thuê đất cho cả thời gian thuê hoặc đã trả trước tiền thuê đất cho nhiều năm mà thời hạn thuê đất đã được trả tiền còn lại ít nhất là 5 năm và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

      + Không được ghi nhận là TSCĐ vô hình đối với trường hợp:

            – Quyền sử dụng đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất.

            – Thuê đất trả tiền hàng năm.

– Thuê đất trả tiền thuê một lần cho cả thời gian thuê (thời gian thuê sau ngày có hiệu lực của Luật Đất đai năm 2003, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) thì tiền thuê đất được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh theo số năm thuê đất.

– Tài sản là nhà, đất đai để bán, để kinh doanh của công ty kinh doanh bất động sản không được hạch toán là TSCĐ và không được trích khấu hao.

  1. Khấu hao của quyền sử dụng đất

– Quyền sử dụng đất có thời hạn, quyền sử dụng đất thuê thì khấu hao theo thời gian được phép sử dụng đất của doanh nghiệp.

            – Quyền sử dụng đất lâu dài thì không khấu hao.

  1.  Tài sản cố định thuê tài chính

Trong định nghĩa về nguyên giá TSCĐ thuê tài chính bỏ đi “…hoặc giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu (trường hợp giá trị của tài sản thuê cao hơn giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu)…”. Như vậy việc ghi nhận nguyên giá TSCĐ thuê tài chính được ghi nhận:

Nguyên giá TSCĐ thuê tài chính =  Giá trị của tài sản thuê tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản + các chi phí phát sinh ban đầu liên quan đến các hoạt động thuê tài chính.

  1.  Nguyên tắc trích khấu hao TSCĐ

– Đối với các công trình xây dựng cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa thực hiện quyết toán mà doanh nghiệp đã hạch toán tăng theo giá tạm tính: Khi công trình được quyết toán thì doanh nghiệp điều chỉnh lại nguyên giá theo giá trị quyết toán đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên doanh nghiệp không phải điều chỉnh lại mức khấu hao đã trích từ thời điểm công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đến thời điểm công trình quyết toán được phê duyệt.

Chi phí khấu hao sau thời điểm quyết toán được xác định trên cơ sở = (Giá trị quyết toán được phê duyệt – Số khấu hao đã trích đến thời điểm phê duyệt quyết toán)/Thời gian trích khấu hao còn lại của TSCĐ theo quy định.

– Đối với các TSCĐ đang theo dõi theo Thông tư số 203 nay không đủ tiêu chuẩn về nguyên giá  TSCĐ theo quy định của Thông tư này (dưới 30 triệu đồng) thì giá trị còn lại của các tài sản này được phân bổ vào chi phí SXKD với thời gian phân bổ không quá 3 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành của Thông tư này (ngày 10/06/2013).

  1.  Thời gian trích khấu hao của TSCĐ trong một số trường hợp đặc biệt

Các dự án đầu tư theo hình thức (B.O.T), (B.C.C): thời gian khấu hao được xác định từ thời điểm đưa tài sản cố định vào sử dụng đến khi kết thúc dự án. Trường hợp các dự án này có phát sinh doanh thu nhưng không đều trong các năm thực hiện dự án mà việc tính khấu hao theo nguyên tắc trên làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thì doanh nghiệp báo cáo Bộ Tài chính xem xét quyết định việc tăng, giảm khấu hao.

  1.  Phương pháp trích khấu hao TSCĐ

Có sự thay đổi trong điều kiện áp dụng phương pháp khấu hao theo số lượng, khối lượng sản phẩm như sau:

Công suất sử dụng thực tế bình quân tháng trong năm tài chính không thấp hơn 100% công suất thiết kế (trước đây quy định là không thấp hơn 50%).

  1.  Khung khấu hao

Thời gian trích khấu hao quy định tại Thông tư 45 có nhiều thay đổi so với khung khấu hao tại Thông tư 203.

  1.  Một số nội dung khác

      – Bỏ định nghĩa “Thời gian sử dụng tài sản” và thay bằng “Thời gian trích khấu hao TSCĐ”.

– Trước đây doanh nghiệp phải đăng ký phương pháp khấu hao với cơ quan thuế. Tuy nhiên Thông tư lần này chỉ quy định là doanh nghiệp tự quyết định thời gian khấu hao, phương pháp khấu hao và thông báo cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý trước khi thực hiện.

– Doanh nghiệp chỉ được thay đổi thời gian trích khấu hao của mỗi TSCĐ một lần (đối với trường hợp lựa chọn thời gian trích khấu hao không theo khung quy định tại Phụ lục số 01 của Thông tư 45). Việc kéo dài thời gian trích khấu hao không vượt quá tuổi thọ kỹ thuật của tài sản và không làm thay đổi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp từ lãi thành lỗ hoặc ngược lại tại năm quyết định thay đổi.

– Phương pháp trích khấu hao TSCĐ áp dụng cho từng tài sản phải được thực hiện nhất quán trong suốt quá trình sử dụng TSCĐ. Mỗi tài sản chỉ được phép thay đổi một lần (trước đây được thay đổi hai lần) phương pháp trích khấu hao trong quá trình sử dụng và phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.